|
|
|
|
|
Câu
hỏi và trả lời
Từ khi phân phối ấn bản đầu tiên, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi liên
quan đến việc làm rõ và giải nghĩa thêm một số đề mục. Trong chương nầy
chúng tôi đã ghi lại các câu hỏi đó mà trong một vài trường hợp chúng
tôi đã phối hợp và rút gọn cho rõ nghĩa hơn. Các câu trả lời liên quan
đến các khía cạnh kỹ thuật của phương pháp thiền Tại và Hiện đều dựa
trên cơ sở những kinh nghiệm thực tế của nhiều thiền giả.
Mặc dù chúng tôi cố
gắng tránh thảo luận đến các lĩnh vực tín ngưỡng, tâm linh, nhưng chúng
tôi cũng đã nhận khá nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề nầy! Các câu hỏi
đã cho thấy các vấn đề mà nhiều người đang quan tâm và có nhu cầu giải
thích; do vậy chúng tôi đã nới rộng thêm một phần nhỏ của quyển sách nầy
để trả lời. Chúng tôi đã thu thập từ nhiều vị thầy tâm linh ở nhiều nơi
những lời giải thích cho các câu hỏi khó, chúng tôi đã cố gắng sắp xếp
lại thành các câu trả lời ngắn gọn. Vì thế có thể nhiều khi quý vị sẽ
nhận thấy trong các câu trả lời có một ít sự khác biệt giữa những vị
thầy vì những văn hóa, tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, bản chất khác biệt
cá nhân trong các câu trả lời đó vẫn không thay đổi mục tiêu chính của
chúng tôi là làm thế nào giúp ta hết đau khổ. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sau đây là phần hỏi đáp được trích từ trong sách:
-
Ai Chủ Động Nói?
-
Cố Gắng Đạt Tĩnh Lặng
-
Không Suy Nghĩ Là Thoái Hóa Tâm Thức?
-
Tính Không Lời
-
Phối Hợp với Các Pháp Thiền Khác?
-
Cảm Giác Giảm Khi Thiền
-
Hơi Thở Giảm Nhẹ Khi Thiền
-
Buồn Ngủ Khi Ngồi Thiền
-
Sự Tĩnh Lặng và Trạng Thái “Xuất
Thần”
-
Làm Sống Lại Cảm Xúc
-
Xóa Ký Ức Vĩnh Viễn Được Không?
-
Thiền Để Tỏ Tình Thương hay Sự Tha
Thứ
-
Cách Thay Đổi Quan Niệm
-
Cách Thay Đổi Tánh Tình
-
Đối Phó Với Cô Đơn
-
Ham Muốn và Đố Kỵ
-
Nỗi Đau Vì Sự Im Lặng Của Người Khác
-
Chấm Hết!
-
Tôi Đúng - Anh Sai
-
Cái Trí Phàm Phu
-
Nghệ Thuật Im Lặng, Lắng Nghe và
Không Phản Ứng
-
Bình An hay Thụ Động ?
-
Cái Trí và Xã Hội
-
Thích Giải Quyết Vấn Đề
-
Lòng Tự Ái Bị Thương Tổn
-
Cái Trí và Hành Động Tự Tử
-
Lòng Từ Bi và Sự Đồng Cảm
-
Tu Là Gì?
-
Có Quyền Không Tu
-
Tặng Sách Cho Người
-
Áp Dụng Các Bài Học
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ai Chủ Động Nói?
H: Khi tập pháp thiền Tại và
Hiện, cái trí nào (hay Ai) bảo cái Ý “thân ở đây nè”?
Đ: Hãy chăm chú lắng nghe cái
trí mình đang nói chuyện gì. Hãy quan sát xem nó đang lui tới những nơi
nào. Cái “người” đang lắng nghe và quan sát chính là người bảo cái Ý
“thân ở đây nè”.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Cố Gắng Đạt Cho Được Sự Tĩnh Lặng
H: Lúc hành thiền, dù với mọi cố gắng, tôi thấy khó đạt sự Tĩnh Lặng;
trí óc tôi sao mà hoạt động dữ quá. Tôi phải làm sao đây?
Đ: Nếu bạn cố gắng để đạt sự Tĩnh Lặng thì đó vẫn là một sự ráng sức,
một sự đấu tranh với cái trí. Vậy, thay vì đấu tranh với cái trí, chỉ
cần bạn thấu biết rằng bản chất của vũ trụ nầy là Sự Tĩnh Lặng. Như vậy
ta có thể tự mình hòa quyện vào cái Tĩnh Lặng có mặt ở khắp mọi nơi. Hãy
buông thả toàn thể xác thân và mọi ý nghĩ. Hãy cảm nhận sự chìm lắng của
thân thể mình vào cái “biển” Tĩnh Lặng và an lạc đó. Hoặc bạn có thể mở
hé mắt nhưng không nhìn gì hết.”
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Không dùng trí có Thoái Hóa Tâm Thức không?
H: Nếu như chúng ta không dùng trí suy nghĩ thì có phải tâm thức ta đã
thoái hóa thành như của thực vật, đất đá hay sao?
Đ: Cái trí trong trạng thái Tĩnh Lặng vẫn hoàn toàn có ý thức, trầm lặng
và hoạt động hoàn hảo. Cái trạng thái “không suy nghĩ” có nghĩa rằng nó
không bị lôi cuốn bởi các tư tưởng lăng xăng hay bởi cảm xúc dấy lên một
cách tự động theo thói quen, theo quán tính hay phản xạ. Trong trạng
thái không suy nghĩ nầy, cái trí không mất đi sự tỉnh thức, trái lại còn
làm tăng thêm các tri giác của mình.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Tính Không Lời
H: Trạng huống không lời rất khó hiểu. Làm sao ta có thể truyền đạt ý
tưởng nếu không dùng lời?
Đ: Sự minh triết và tri thức thường xuất hiện không qua lời nói. Ngay cả
khi ta dùng lời nói để thông đạt và hiểu một vấn đề gì, chúng ta vẫn có
những hiểu biết thoáng nhanh mà không có lời nói thực tế kèm theo. Khi
ta thử diễn dịch các ý tưởng nầy bằng ngôn ngữ hay viết ra, chúng ta
thấy rằng ta chưa diễn đạt được thật sự hết ý nghĩa. Dùng lời để cố giải
thích cái tính không lời thì nghe rất lạ kỳ nhưng chúng ta vẫn phải dùng
phương tiện nầy để giải thích. Trong trạng thái Tĩnh Lặng hay “tính
không lời” thì cái trí ở vào trạng huống “vô tư” như trẻ con. Tiên khởi,
nó không định danh, phân tích hay phê phá; cái trí không lời nhận định
mọi thứ như mới tinh và nguyên trạng.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Phối Hợp Với Các Pháp Thiền Khác
H: Có thể phối hợp Tại và Hiện với các phương pháp thiền khác không?
Đ: Có nhiều phương pháp thiền dạy ta chú ý đến mọi sinh hoạt như đi đứng,
dáng dấp, ăn uống chậm rãi, nói năng khiêm tốn, ngôn từ êm ái, đóng cửa
nhẹ nhàng v..v... Để giử cái trí trong hiện tại, các phương pháp nầy
giúp cái trí tập trung và ý thức được việc ta đang làm. Đấy là dùng cái
im lặng bên ngoài để tạo dựng cái Tĩnh Lặng bên trong. Còn phương pháp
Tại và Hiện thì nhắm trực tiếp vào cái Tĩnh Lặng bên trong và giảm thiểu
tính tác động bên ngoài. Mặc dù các pháp tập cũng có vẻ tương tự hay
cùng một mục đích, nhưng do cách dẫn đạt khá khác biệt nhau của pháp
thiền, chúng tôi khuyên các bạn tập mỗi pháp vào giờ giấc riêng.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Bị Giảm Cảm Giác Trong Khi Thiền
H: Vì sao các cảm giác của cơ thể có vẻ giảm bớt hay gần như biến mất đi
trong khi thiền?
Đ: Khi đạt trạng thái Tĩnh Lặng ta sẽ không cảm nhận mấy về cơ thể của
chúng ta vì lẽ cái trí không còn để ý đến các cảm xúc nữa. Cái trí chỉ
có ý thức về bản thân mình như một tổng thể. Ở trạng thái nầy, thời gian
và không gian có thể gần như tan biến. Đó là trạng thái nghỉ ngơi rất
sâu cho cả thể xác lẫn tâm trí.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Hơi Thở Giảm Nhẹ Trong Khi Thiền
H: Vì sao hơi thở giảm nhẹ khi thiền? Nếu hơi thở xuống đến mức quá thì
có nguy hại gì không?
Đ: Khi cái trí và cơ thể đạt một trạng thái nghỉ ngơi nào đó, dưỡng khí
hoán chuyển trong cơ thể nhanh hơn khi ở trạng thái bình thường không
tập thiền. Cơ thể sử dụng dưỡng khí với hiệu năng cao hơn. Khi tập thiền
thì lượng dưỡng khí sữ dụng sẽ giảm nhiều. Có lẽ vì vậy mà các nhà tu
thiền yoga có thể ngưng thở được trong một thời gian khá lâu.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Buồn Ngủ Trong Khi Tập Thiền
H: Nhiều pháp thiền không cho phép ta ngủ khi tập. Tuy nhiên, pháp thiền
Tại và Hiện lại chú trọng vào việc thư giãn tối đa cả thể xác lẫn cái
Trí, như thế rất dễ dẫn đến ngủ gục. Thậm chí, nhiều người còn thấy rằng
với phương pháp nầy rất khó giữ được thức giác. Có nên tránh ngủ gật khi
thiền không?
Đ: Phương pháp Tại và Hiện cố ý dẫn chúng ta vào trạng thái giữa ngủ và
thức. Trạng thái nầy là cổng nối vào tiềm thức. Đó cũng là cổng nối vào
sự Tĩnh Lặng thâm sâu. Lúc đầu, thiền giả đạt được Tĩnh Lặng qua trạng
thái nửa thức, nửa ngủ nầy. Về sau, thiền giả sẽ kinh qua một trạng thái
Tĩnh Lặng sâu thẳm hơn, thâm nhập được một tri giác và tỉnh thức cao,
một trạng thái “thuần tâm thức”. Trạng thái “nửa thức nửa ngủ” là một
bước khởi đầu cần thiết. Để tránh buồn ngủ, bạn hãy tập thiền sau khi đã
nghỉ ngơi thật khỏe. Mặc dù bạn cố tránh cơn buồn ngủ trong khi thiền,
nhưng nếu thỉnh thoảng có ngủ gục thì cũng không phải là vấn đề lớn.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Sự Tĩnh Lặng Và Trạng Thái “Xuất Thần”
H: Thể nghiệm về Tĩnh Lặng theo phương pháp nầy có giống như thể nghiệm
về trạng thái “xuất thần” của vận động viên thể thao không?
Đ: Thể nghiệm về trạng thái “xuất thần” của vận động viên thể thao khi
cơ thể họ vượt giới hạn của “tâm thức” và tiếp cận với một “tâm thức cao
hơn”, cho phép vận động viên thực hiện được động tác vượt trội khác
thường. Thể nghiệm của sự Tĩnh Lặng cũng đạt được một tâm thức cao tương
tự nhưng nó là một trạng thái quy thuận tuyệt đối của cái trí và tự ngã.
Như vậy là hai phương pháp tiếp cận đó khá khác nhau. Một khi chúng ta
đạt sự Tĩnh Lặng mà có thể chế ngự được cái trí của mình và chỉ dùng nó
theo ý mình, không lệ thuộc một cách tự động: chúng ta đã học được cách
chạm đến cái trí cao nầy và sử dụng được tiềm năng của nó.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Làm Sống Lại Cảm Xúc
H: Vì sao mà khi tôi kể lại một tình huống đau khổ trong quá khứ với
người khác, có khi tôi lại không cảm thấy bị ảnh hưởng gì nhưng có lúc
tôi lại cảm thấy đau khổ như thể chuyện đang xảy ra tại đấy? Cái trí của
tôi đang thật sự làm gì vậy?
Đ: Khi chúng ta đóng vai trò “người quan sát” thì chúng ta không thấy
đau khổ khi kể hay nghĩ lại một đau buồn quá khứ. Nếu ta cảm thấy đau
khổ như cũ thì chính là vì ta thật sự sống lại cái quá khứ đang được gợi
lại trong trí. Để rời khỏi sự “sống lại” ấy, chỉ cần làm một động tác
hít thở sâu và chậm, tìm vào sự Tĩnh Lặng của Tại và Hiện. Trong sự Tĩnh
Lặng nầy, cho dù cái trí đang làm gì đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ
không sống lại cái dĩ vãng đau buồn đó. Cái trí sẽ không thể chạm được
cái nội tại bình yên của ta cho dù “nó” kể lại, cho tái lập hay gợi lại
quá khứ.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Ta Có Thể Xóa Ký Ức
Một Cách Vĩnh Viễn Không?
H: Có cách nào xóa hẳn các cảm xúc đau buồn trong ký ức của ta để khỏi
phải đối phó với đau khổ hoài?
Đ: Cái trí lưu trữ các sự kiện quá khứ bằng cách ghép câu chuyện với các
cảm xúc xảy ra lúc đó, nhất là những cảm xúc mạnh mẽ hoặc tiêu cực. Vì
vậy, khi chúng ta gợi nhớ lại một sự kiện trong quá khứ thì chúng ta cảm
giác lại các cảm xúc đó. Chúng ta không thể xóa quá khứ nhưng chúng ta
vẫn có thể tách rời những cảm xúc tiêu cực ra khỏi các sự việc được lưu
trữ chung trong ký ức. Chúng ta cũng có thể “hóa giải” các cảm xúc nầy
để chúng không còn gợi lại các cảm giác đau khổ nữa. Nếu làm được việc
nầy, mỗi khi cái trí nhìn lại các sự kiện cũ, chúng ta sẽ không phải
sống lại các cảm xúc kèm theo nữa.
Cách tách rời cảm xúc ra khỏi các sự kiện quá khứ: Chúng ta vào sự Tĩnh
Lặng theo phương pháp Tại và Hiện và ra lệnh cái trí đi vào tiềm thức và
tách rời cảm xúc khỏi sự kiện đó. Rồi chúng ta buông bỏ mọi ý nghĩ và
vào sâu trong Tĩnh Lặng càng lâu càng tốt. Lần tới, nếu trí bạn vẫn còn
lôi cuốn trở lại chút ít cảm giác đau khổ khi nhớ lại chuyện cũ đó, thì
bạn cần phải thực hiện lại cách tách rời nầy cho đến khi bạn hoàn toàn
triệt tiêu được cái cảm xúc kèm theo đó.
Nếu bạn vẫn thấy còn cần phải hóa giải cảm xúc hơn nữa, xin xem chỉ dẫn
trong Chương Hai của quyển sách nầy.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Thiền Để Tỏ Thương Yêu Hay Tha Thứ
H: Ta dùng phương pháp thiền như thế nào để diễn tả tình thương và sự
tha thứ?
Đ: Để tha thứ một người nào, trước hết chúng ta cần thầm tuyên bố cái ý
định tha thứ đó: ta đang sẵn sàng mở cửa trái tim để tha thứ. Sau đó,
báo cho tiềm thức mình biết điều nầy. Vì phần lớn ngôn ngữ tiềm thức là
hình ảnh và cảm giác nên chúng ta làm điều nầy bằng cách hình dung cái
cảnh trái tim ta mở ra để tháo bỏ những đắng cay và giận dữ mà ta đã có
đối với người liên quan. Chúng ta hình dung và cảm nhận rằng các cảm
giác đó đang tan biến vào cõi hư vô. Chúng ta sẽ cảm thấy tâm mình như
nhẹ đi, êm ái và bình an. Rồi chúng ta buông bỏ mọi ý nghĩ và chìm vào
sự Tĩnh Lặng của Tại và Hiện càng sâu càng tốt.
Khi dùng phương pháp thiền nầy để biểu lộ tình thương ta cũng sử dụng
cùng trình tự như trên, song ta sẽ tự hình dung và diễn đạt cái tình cảm
êm ái, sự quan tâm, sự tha thứ, tình yêu thương và sự an bình đối với
đương sự. Sau đó nhớ thư giãn, buông bỏ mọi ý tưởng kể cả dự định, hình
ảnh và ý tưởng vừa hình dung xong, rồi thể nhập vào sự Tĩnh Lặng.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Ta Có Thể Thay Đổi Quan Niệm
Của Chính Ta Không?
H: Có những ý kiến mà ta nghĩ là không nên có nhưng rất khó thay đổi
chúng. Vậy làm sao thay đổi một quan điểm không thích hợp?
Đ: Thay đổi một thói quen vật chất đòi hỏi phải học một thói quen mong
muốn mới mà ta cần ít nhất cả tháng để thiết lập. Tuy nhiên thay đổi một
ý tưởng của cái trí chỉ cần ít phút mà thôi.
Cách thay đổi quan niệm: Hãy vào sự Tĩnh Lặng theo phuơng pháp Tại và
Hiện, thầm tuyên bố rằng bạn đã quyết định thay đổi một quan niệm nào đó,
rồi buông bỏ mọi tư tưởng và trở vào sự Tĩnh Lặng càng lâu càng tốt. Bạn
có thể thử nghiệm xem bạn có tiến bộ hay không bằng cách nghĩ đến một
quan niệm đối ngược, mâu thuẫn với cái mình muốn bỏ lúc trước đó, xem
cái trí bạn có phản đối không? Nếu nó còn phản đối ở một chừng mực nào
đó, bạn hãy lặp lại phương pháp nầy để lần lần “yên lặng hóa” được cái
trí bướng bỉnh ấy.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Có Thể Thay Đổi Tánh Tình
Của Mình Không?
H: Nhiều người cho rằng bản chất của ta là thường tồn và rất khó thay
đổi. “Tôi nóng tính, tôi đòi hỏi tính đứng đắn nghiêm túc. Nhiều người
cho rằng tôi khó tính”. Hay là “tôi quá ngăn nắp, hung hãn và hay chỉ
đạo – một thứ cá tính mà người ta gọi là “mẫu người loại A”. Ta có thể
nào sửa một số đặc tính, bản chất của mình không?
Đ: Xã hội thường cho rằng cá tính con người là thiên bẩm và cố định,
trong khi các tôn giáo Đông phương và nhiều nhà tâm lý học và xã hội học
Tây phương tin rằng cá tính con người ít nhất một phần là do kết quả của
kiến thức, tư duy, hình ảnh và tập quán mà cái trí thu thập và tồn trữ.
Vài tôn giáo còn cho rằng cái trí đã thu thập thông tin đó trong nhiều
kiếp sống. Do vậy, khi ta có nhu cầu cần dùng đến bạo lực trong tư tưởng,
lời nói hay hành động, đó là vì ta đã thu thập các kinh nghiệm đó lúc
thiếu thời qua cha mẹ, bạn bè, trên TV v. v... Cái trí sử dụng các thông
tin thu thập - thông tin thiếu hiểu biết nầy phần nhiều đã tạo ra những
tư tưởng, phản xạ mà mọi người cho là bản chất cố hữu. Đó là khi ta tự
xem cái trí là chính mình và cho phép các thông tin, hình ảnh, quan niệm,
kiến thức tập quán thu thập được đó đã chiếm quyền ảnh hưởng chúng ta và
trở thành “bản chất”, tánh tình của chúng ta.
Để sửa đi các đặc trưng nầy, trước hết chúng ta phải thừa nhận rằng
chúng ta không phải chỉ là cái trí. Cái trí và các đặc thù của nó chỉ là
một phần nhỏ của ta; cái phần mà chúng ta có thể kiểm soát và thay đổi
để nó không còn ra lệnh và kiểm soát ta nữa.
Làm cách nào thay đổi cá tính của ta? Bạn hãy vào sự Tĩnh Lặng theo
phương pháp Tại và Hiện và tuyên bố quyết định thay đổi các nét “cá tính
không muốn có” nữa. Sau đó, bạn sẽ sử dụng các hình ảnh và cảm xúc để mô
tả các nét “cá tính mà bạn thích”. Rồi buông bỏ mọi tư tưởng và vào lại
sự Tĩnh Lặng càng sâu càng tốt. Ta phải lặp lại nhiều lần tiến trình nầy
cho đến khi đạt yêu cầu..
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Đối Phó Với Sự Cô Đơn
H: Một trong các cảm xúc khó đối đầu nhất là sự cô đơn. Có cách nào đối
phó với sự cô đơn nầy dễ hơn không?
Đ: Khái niệm cô đơn liên quan mật thiết đến hai khái niệm khác: đơn độc
một mình và sự trống vắng. Chúng ta thường cảm thấy cô đơn khi chúng ta
ở một mình nhưng không phải luôn luôn như thế đâu: nhiều lúc mình vẫn
cảm thấy cô đơn ngay cả trong một căn phòng có nhiều người. Đó là vì ta
cảm thấy một loại trống vắng. Có lúc ta ở một mình nhưng không cảm thấy
cô đơn, nhất là khi ta đang an vui công việc gì một mình (như đọc sách,
xem phim hay v.v.). Vậy thì cô đơn chính là một cảm nhận về một tình
huống; đó là cảm nhận của cái trí về chỗ đứng của ta trong quan hệ với
người khác. Nhiều người sợ ở một mình, cái sợ đó là do cái trí tạo ra từ
cảm nghĩ trống vắng và cô đơn. Chúng ta không cần sợ sống một mình. Tình
trạng Tĩnh Lặng sẽ làm cái trí nghỉ im và cho phép chúng ta cảm nhận sự
hài lòng, đầy đủ dù đang vui hưởng kề cận với bè bạn hay vui hưởng với
chính bản thân thôi. Sự Tĩnh Lặng còn cho ta nhận thức được rằng cái
chính thật của mình lúc nào cũng đầy đủ và không khi nào trống vắng cả.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghen Tuông Và Đố Kỵ
H: Sự ghen tuông và lòng ganh tị xem giống như là những cảm xúc tự nhiên
– nhưng chúng có thể tàn tệ và nguy hại. Chúng ta có nên loại bỏ chúng
đi không và bằng cách nào?
Đ: Sự ghen tuông và lòng ganh tị xuất phát từ cảm nhận của cái trí về
tính sở hữu, về sự thiếu sót hay tổn thương đến cái ta. Chúng ta có thể
ganh tị vì nghề nghiệp hay công việc của người nào đó thành đạt hơn ta.
Ví dụ, cái trí ta nhìn sự thành đạt của người khác như là một hiển hiện
thất bại của chính mình hoặc như một tổn thương đến tâm hồn hay giá trị
của bản thân mình. Quan niệm sai trái sẽ đó làm thương tổn mình và người
xung quanh. Chúng ta cần dạy cái trí thưởng thức niềm vui và hạnh phúc
của kẻ khác. Chúng ta đặt mình hoàn toàn vào tình huống kẻ khác để cảm
nhận được cảm xúc của họ. Sau đó, ta thể nhập vào Tĩnh Lặng để an ổn cái
trí và cho phép ta đồng cảm và hưởng được những niềm vui đó.
Cũng có thể chúng ta cảm thấy ganh tị bởi vì chúng ta cho rằng người nào
đó – hay tình yêu của người đó – thuộc về ta. Đó là vì cái trí cảm nhận
rằng có cái gì đó thiếu thốn trong nó. Cái thiếu thốn hay nhu cầu ấy làm
cho ta mãi tìm kiếm một cách khốn khổ, mong đạt cho được sự ân cần và
tình yêu thương. Trong sự tìm kiếm ấy, chúng ta sẽ tước đoạt đối tượng
và tình yêu của họ bằng cách chiếm hữu hay đòi hỏi họ phải cung ứng cho
ta.
Để đối phó với lòng đố kỵ đó, trước hết chúng ta phải nhận thức rằng
tình yêu thật sự là vô giới hạn: nó không đòi hỏi, không ràng buộc và
cũng chẳng giới hạn. Mỗi người đều có bên trong ta một tình yêu vô biên
giới để chia xẻ với người khác. Để giải quyết cái nhận định sai lầm của
cái trí, chúng ta phải làm cho cái trí thông hiểu và cảm nhận được sự
toàn vẹn đó. Chúng ta làm được việc nầy thông qua sự Tĩnh Lặng; chính sự
Tĩnh Lặng sẽ cho phép bản thân ta nhận ra sự vẹn toàn và tình yêu của
bản thân.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Nỗi Đau Về Sự lm Lặng Của Người Khác
H: Trong một cuộc đấu khẩu với bạn bè hay các thành viên trong gia đình
tôi thường cảm thấy phiền muộn khi họ không nói lời nào hoặc họ có thái
độ dửng dưng. Cái im lặng đó nhiều khi làm tôi đau đớn, thất vọng hay
nổi cáu nhiều hơn cả lúc họ đối đáp không tốt với nhau. Việc ấy có liên
quan đến cái trí như thế nào?
Đ: Hãy nghĩ đến vài chuyện cãi vã, tức giận mà bạn đã trải qua. Trong
cuộc cãi vã, người kia có lúc đã bắt đầu nổi cáu, ngưng nói và quay lưng
đối với bạn. Cái đó đã làm bạn đã cảm thấy thế nào? Và bạn đã phản ứng
ra sao?
Trong ví dụ trên, có lẽ bạn đã chịu thua và “đến gần” người kia. Sự im
lặng của người kia có thể đáng sợ vì nó còn có nghĩa là một chối từ,
ruồng bỏ. Cái trí của ta rất sợ sự chối từ, ruồng bỏ. Do vậy, chúng ta
đã chịu thua và tiếp cận người kia. Hoặc giả bạn đã có phản ứng trả đũa
bằng sự im lặng của chính bạn. Vì sao? Sự im lặng là một vũ khí mạnh và
thường được sử dụng một cách cố ý hay vô tình trong quan hệ đối tác. Ở
đây, chúng ta cần hiểu việc gì đã xảy ra ở cái trí. Khi chúng ta dùng sự
im lặng như là một vũ khí, chúng ta thường dùng nó để trừng phạt người
kia, để phản đối, để làm cho họ nói trước, làm cho họ đến với ta. Đó là
cách tinh tế để có được sự kiểm soát hay khả năng trả đũa khi đối phó
với người khác. Tuy vậy cần lưu ý rằng cách ứng phó nầy là một thủ thuật
của cái trí. Nó muốn kiểm soát và có quyền lực bởi vì nó luôn cảm thấy
mình... vô tích sự. Có thể người ta không hề cố ý dùng sự im lặng làm
một cách đối phó; họ chỉ không chủ động được vì cái trí đang nắm toàn
quyền. Nó đang ở trong tư thế vận hành tự động.
Vì cái trí cảm thấy sợ hãi, hốt hoảng và thiếu thốn, để tự an ủi, dỗ
dành, nó phản ứng bằng cách lôi kéo từ đối phương sự an ủi đó. Một là
người kia nhượng bộ, hai là khởi sự một chu kỳ đấu tranh mới.
Cả hai người trong ví dụ trên bị mắc bẫy trong vòng luẩn quẩn nầy vì cái
trí của họ đang kiểm soát cảm xúc và hành động. Chỉ khi nào một trong
hai người thôi không phản ứng theo cái trí thì chu kỳ nầy mới có thể
chấm dứt. Và người ta chỉ có thể ngưng phản ứng theo cái trí khi họ có
được sự Tĩnh Lặng và sự toàn vẹn bên trong.
Còn có một loại im lặng khác rất tác hại: đó là sự im lặng khi một mối
liên hệ có tính cách da diết, hệ trọng kết thúc mà không có một lời giải
thích. Cái trí con người luôn có một nhu cầu cấp thiết được giải thích
khi bị thương tổn về cảm xúc hay thể diện. Nó cần tìm một giải thích để
được thoải mái và làm nhẹ đi nỗi đau. Cái im lặng chết người sau một mối
liên hệ thân thiết có thể gây cho cái trí phản ứng bằng cách lên án
người kia hay lên án ngay chính cái bản thân mình.
Nếu có đủ thì giờ để tiếp tục quằn quại trong đau khổ, cái trí sẽ từ từ
tiến đến mức độ bạo lực trong cảm xúc và hành động đối với bản thân và
người khác. Có lẽ ta không nên quá chú trọng vào cách kết thúc của một
mối quan hệ mà chỉ nên chú trọng vào cái thực tại là nó đã kết thúc. Mối
quan hệ phải kết thúc vào thời điểm mà định mệnh đã an bài. Còn “cách”
kết thúc như thế nào thì chỉ là một trong nhiều cách hiển thị để tiến
tới sự kết thúc vào đúng thời điểm đã định thôi. Chúng ta phải yêu cầu
cái trí buông bỏ hết các nhu cầu được giải thích hay lý giải hầu chúng
ta có thể đi tiếp cuộc đời trong sự giảng hòa với quá khứ bởi vì rất có
thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận được một lời giải thích nào đó cả.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Thế Là Xong! Chấm Hết!
H: Khi tôi rời khỏi một ngôi chùa, tôi nghe một hành khất xin tiền tôi
liền mở ngay ví lấy tiền. Rồi tôi nhìn người ấy và nhận thấy anh ta có
vẻ trẻ và khỏe mạnh. Tôi ngạc nhiên và nghĩ nên hay không nên cho tiền.
Tại sao cho? Tại sao không? Nếu không cho có được không? Nếu cho, tôi có
phải là giúp người không đúng không? Anh ta có chế nhạo tôi là người dễ
bị gạt không? Cái trí tôi cứ mãi suy tư hoang mang. Tôi phải làm sao đây?
Đ: Mục tiêu chúng ta đây không phải là phân tích ra cái hay, dở của hành
động từ thiện; mục tiêu ở đây là hiểu và đơn giản hóa cái trí. Nếu như
bạn thấy cần cho người ta theo bản năng thì cứ cho và không băn khoăn
nữa. Nếu không muốn cho thì cứ bỏ tiền lại vào túi. Cái trí mình chỉ cần
hiểu “tôi thấy và nghe lời van xin và tôi muốn cho”. Thế là xong! Chấm
hết. Chúng ta ngăn chặn việc cái trí tự động phân tích, phán đoán, xem
xét và phê bình. Ngoài ra, nếu bạn đã quyết định cho ai tiền thì khi
tiền đã rời khỏi tay bạn là việc đã hoàn tất. Chấm hết. Bạn chẳng cần để
ý quan tâm là tiền đó có được dùng theo đúng ý của mình không. Có lẽ ta
nên xem vấn đề cho, cho vay mượn cũng cùng một cung cách ấy: khi cái gì
đã rời khỏi tay mình - dù là tiền hay của cải – thì chúng không còn là
mối quan tâm của mình nữa.
Lẽ cố nhiên, khi bạn nghĩ rằng cần phải phân tích, phán xét, quan sát
hay phê phán, bạn có thể cho phép cái trí thực hiện các việc ấy, nhưng
hãy cố gắng làm điều đó với sự Tĩnh Lặng bên trong. Nếu bạn cho phép cái
trí làm theo thói quen hay làm tự động thì cái trí chính là người chủ
của bạn. Và khi trí là chủ thì bạn sẽ buồn vui và hành động theo sự điều
khiển của cái trí lăng xăng đó.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Tôi Đúng! Anh Sai!
H: Khi người khác áp đặt quan điểm của họ lên mình, ta nên xử trí ra sao?
Đ: Quan điểm là quan điểm, nó luôn luôn đúng với chủ nhân của nó. Người
phát biểu có quyền tin rằng quan điểm của mình là đúng; do vậy ta nên
tôn trọng nó. Nhưng nếu ta không đồng ý với ý kiến nầy thì chỉ đơn giản
là tránh tranh luận; hành động tranh luận chỉ là một sự đấu tranh nội
tại do quan niệm “anh sai và tôi đúng”. Bình an thật sự là tránh tranh
luận không những ngoài mặt mà cả bên trong ta. Ngay khi bạn có thể giữ
im lặng ngoài mặt, bạn còn phải coi chừng cái trí bạn vẫn cãi nhau và
tiếp tục lải nhải “tôi đúng, anh sai”.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Cái Trí Phàm Phu Cứ Trở Lại
H: Với sự tập luyện Tại và Hiện, tôi đã có thể kiểm soát tiến trình tư
duy của mình khá tốt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có một câu nói hay hình
ảnh nào đó bỗng làm dấy lên một ý nghĩ tiêu cực hay một cảm xúc mạnh mẽ.
Việc đó xảy ra quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát của tôi. Khi tôi nhận ra
cái cảm xúc tiêu cực đó thì đã quá muộn vì lẽ nó đã “nhảy” ra rồi. Làm
sao đây?
Đ: Có nhiều khi tư tưởng và cảm xúc xảy ra quá nhanh. Cái trí có thể tự
động gợi lại một số dữ kiện và cảm xúc với một tốc độ cực kỳ nhanh. Khi
chúng ta bị đặt vào một tình huống không kiểm soát được các tư tưởng và
cảm xúc tiêu cực đột xuất, chúng ta hãy ghi nhận chúng và tự an ủi rằng
ít ra ta cũng đã biết ngay sự hiện diện của chúng – đó là một bước thật
lớn trong việc tiến đến bình yên nội tại. Những sự việc như thế cũng là
những nhắc nhở cho ta rằng mình hãy còn nhiều chất không “thần thánh”
cho lắm. Như thế chúng ta mới học được sự bao dung và kiên nhẫn với
chính bản thân trong quá trình tu tập nầy.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Nghệ Thuật Không Phản ứng,
lm Lặng, Lắng Nghe Và Bình An
H: Nghệ thuật biết lắng nghe và im lặng là gì? Chúng ta thực hiện các
nghệ thuật nầy ra sao và tâm bình an thật sự là gì?
Đ: Các nghệ thuật nầy thật ra là những biểu hiện khác nhau của cùng một
phương pháp và mục tiêu: sự Tĩnh Lặng. Bạn có thể thực hiện từng nghệ
thuật riêng biệt nhưng thật ra chúng tương quan và cái nào thì cũng sẽ
đều dẫn đến những cái kia và đều là để đạt tới một điểm giống nhau: Tĩnh
Lặng.
Nghệ thuật không phản ứng: Thường thì chúng ta phản ứng tự nhiên theo
điều mà giác quan và cái trí cảm nhận. Không phản ứng là một chọn lựa cố
ý; mình chọn sự “không hành động” hay “hành động”. Vì lẽ cái trí có thói
quen từ lâu đời là phản ứng, chúng ta cần chú ý khi các phản ứng nầy xảy
ra. Ý nghĩ sẽ làm cảm xúc nổi lên và cảm xúc sẽ phát khởi hành động. Mỗi
khi cái trí bắt đầu thể hiện ý nghĩ và cảm xúc trong tư thế phản ứng thì
chúng ta nên vào Tĩnh Lặng để trung hòa thói quen tự động phản ứng của
cái trí.
Nghệ thuật im lặng là khả năng giữ im lặng ngoài mặt lẫn trong lòng. Sự
im lặng chân thật không phải là làm thinh và nhịn không nói mà là khi
cái trí ngưng hẳn sự thúc giục cần nói. Điều nầy có nghĩa là cái trí ta
làm việc trong tình trạng không lời; nó không nắm giữ một ý kiến hay một
ý niệm nào cả và không có cả nhu cầu nói chuyện. Nhưng lúc nào thì cần
im lặng? Đó là lúc mà lời nói có thể gây đau khổ hay không mang lại hạnh
phúc cho kẻ khác. Chúng ta nên im lặng ngay cả khi chúng ta tin rằng
điều định nói ra quả thật là “nên nói”, vì ta thấy nó đúng và cần thiết.
Niềm tin nầy chỉ là ý riêng của ta mà thôi, không chắc là đã đúng với
người đối diện. Chúng ta còn phải đánh giá các lý do làm ta muốn nói:
người ta có yêu cầu mình khuyến cáo gì không hay chỉ vì ta có nhu cầu
khuyến cáo hay thuyết giảng người khác? Cách an toàn và lợi ích nhất là
im lặng và thực hiện nghệ thuật lắng nghe trong Tĩnh Lặng với một tấm
lòng cởi mở.
Nghệ thuật lắng nghe là nghe người khác một cách chăm chú và trong trạng
thái Tĩnh Lặng: nghe với một cái trí mở rộng mà không tranh luận, phản
ứng, phân tích, đi đến kết luận hay tìm giải pháp. Chúng ta có thể im
lặng chúc phúc bình an cho người nói trong khi chăm chú nghe. Chúng ta
sẽ lắng nghe lời họ nói ra, nghe cả những thông điệp chưa nói ra cũng
như nghe luôn cái im lặng phía sau những thông điệp ấy. Chúng ta tiếp
cận với người khác và lắng nghe như thế thì tình thương, sự tha thứ và
sự Tĩnh Lặng trong ta sẽ lan tỏa đến và trung hòa những cảm xúc tiêu cực
bên trong người nói.
Nghệ thuật tạo cảm nhận bình an: Có người tin rằng các nguyên tắc điều
hành của vũ trụ có tính vẹn toàn và hoàn thiện cố hữu, và con người là
một phần của sự hoàn thiện ấy. Với cái nhìn toàn cảnh vũ trụ rộng lớn,
mọi sự việc bày ra trước mắt chúng ta cũng là hoàn thiện một cách cố hữu:
trong thời điểm đó thì con người, sự kiện và mọi thứ--tốt, xấu hay lưng
chừng--đều phải là như thế! Không thể khác hơn được. Với cái nhìn nầy,
con người sẽ có khả năng chấp nhận người khác và các tình huống của cuộc
sống được hiển thị như là. Nếu cái trí nhìn cuộc sống dưới giác độ đó,
thì ta sẽ thật sự có được bình an. Đối với thế giới nội tâm của ta cũng
vậy. Khi chúng ta nhìn vào bên trong: ta nhận thấy điều gì đó cần thay
đổi thì chúng ta sẽ thay đổi và những gì ta không thể thay đổi, ta chấp
nhận chúng một cách bình an.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình An Hay Là Thụ Động?
H: Cái phương pháp Tại và Hiện nầy có vẻ như đòi hỏi chúng ta thụ động
trong cuộc sống. Phải chăng nó bảo ta phải đè nén cảm xúc và lúc nào
cũng phải kìm chế lời nói và hành động?
Đ: Phương pháp nầy không hề yêu cầu ta “đóng gói” các cảm nghĩ của mình.
Nó dạy ta cách lấy lại quyền kiểm soát cái trí để nó không tự động phản
ứng và có thể tác động lên ta bằng ý nghĩ, rồi gây ra cảm xúc và những
hành động tiêu cực. Hành giả Tại và Hiện thường có vẻ điềm đạm và trầm
lặng hơn – việc nầy không phải do chúng ta kìm hãm hay đấu tranh điều gì.
Phong cách bên ngoài nầy là một biểu hiện cho sự Tĩnh Lặng bên trong.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Cái Trí Và Xã Hội
H: Trạng thái nội tại có thể ảnh hưởng đến thế giới bên ngoài hay xã hội
của chúng ta hay không?
Đ: Ý nghĩ và cảm xúc của ta là một dạng năng lượng. Năng lượng nầy bức
xạ từ thân thể ta và phản ứng với các năng lượng người khác xung quanh
ta. Khi cái trí ở trạng thái Tĩnh Lặng, nó sẽ không nảy sinh các cảm xúc
và ý nghĩ tiêu cực, do vậy, nó sẽ không phát ra năng lượng tiêu cực. Còn
sự bình an của Tĩnh Lặng cũng sẽ phát ra năng lượng thái hòa tương ứng.
Và trong Tĩnh Lặng, các lực tiêu cực bên ngoài khó lòng chạm đến cái
bình an trong ta. Đối lại, cái bình an bên trong của ta chạm đến mọi thứ
bên ngoài một cách tự nhiên. Khi chúng ta không ở trong Tĩnh Lặng thì
các năng lượng bên ngoài có thể ảnh hưởng đến ta. Điều nầy có nghĩa là
chúng ta có thể ngăn ngừa sự loạn động bên ngoài, không cho chạm đến nội
tâm của ta. Còn thế giới nội tâm của ta thì lại mặc nhiên có ảnh hưởng
tới thế giới bên ngoài.
Đây là lý do vì sao mà khi cái trí ta bị xáo trộn nó có thể gây tổn hại
đến sự ổn định của “thế giới bên ngoài” của ta. Theo định lý nầy, nếu ta
chờ đến khi có một xung đột thế giới nào xảy ra rồi ta mới ứng phó thì
chúng ta chỉ đối phó với cái “triệu chứng” của cái xung đột gốc: đó là
sự xung đột từ nhiều cái trí cá nhân.
Cách hợp lý và cần thiết nhất để thực hiện hòa bình thế giới thật sự là
tìm được hòa bình ngay trong cái trí của từng cá nhân. Ít nhất thì qua
định lý nầy chính mổi người trong chúng ta cũng sẽ là một nhân tố góp
phần vào làm chấm dứt sự xung đột và khổ đau của thế giới.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Vai Trò Của Cái Trí Với Tư Thế
“Người Giải Quyết Rắc Rối”
H: Khả năng cái trí có thể giải quyết nhanh nhẹn các vấn đề là rất quan
trọng – vì sao mình không cho cái trí giải quyết vấn đề?
Đ: Khả năng tuyệt vời của cái trí là phân tích vấn đề, tạo dựng sách
lược đối phó và tìm ra giải pháp. Điều nầy thật rất là quan trọng. Tuy
nhiên, ta muốn kiểm soát được toàn diện cái khả năng đó để tránh tạo nên
sự đau khổ cho kẻ khác hay cho chính chúng ta. Thường thường, lúc cái
trí chúng ta bắt đầu tự động phân tích và giải quyết vấn đề, nó thật sự
muốn thỏa mãn ngay sự khao khát của chính nó trong vai trò là người giải
quyết rắc rối. Cái trí tha thiết muốn phân tích và có giải pháp mà không
hề cần biết người khác có yêu cầu hay muốn được khuyến cáo hay không.
Nếu cái trí tự cho mình là người giải quyết rắc rối thì chúng ta có thể
cảm thấy bị chạm nếu người nghe bất đồng ý kiến hay từ chối sự khuyến
cáo của mình. Để làm chủ được tiến trình tư duy, chúng ta có thể sử dụng
sự Tĩnh Lặng. Trong Tĩnh Lặng, chúng ta có thể lắng nghe một cách chăm
chú và sẽ xem xét giải pháp một cách khách quan và trầm tĩnh. Trong Tĩnh
Lặng, cái trí sẽ sẵn sàng chấp nhận sự bất đồng ý kiến của kẻ khác hay
khi ý kiến của nó bị bác bỏ và nó cũng sẽ giảm thiểu đi nhu cầu tự động
tìm kiếm giải pháp.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Lòng Tự Ái Bị Thương Tổn
H: Khi bị người nào đó chỉ trích, tôi cảm thấy đau đớn kinh khủng. Tôi
cảm thấy bị xúc phạm, giận dữ và muốn biện minh. Cái trí luôn gây gổ với
tôi trong nhiều ngày sau đó. Nó tự bào chữa, tấn công lại sự chỉ trích
một cách căm thù và hằn học. Tại sao cái trí phản ứng dữ dội như thế?
Đ: Có lẽ cái trí cảm thấy đau đớn vì một hay nhiều lý do sau đây:
-
Sự chỉ trích đó
không đúng. Cái trí cảm thấy bị xúc phạm thật bất công và vô lý.
-
Cái trí bị bắt
buộc đối diện với một sự thật phũ phàng về chính mình.
-
Sự chỉ trích đã
xé nát một hình ảnh và sự tự hào mà nó ấp ủ từ lâu.
-
Cái trí xem sự
chỉ trích là một đòn tấn công ác hiểm đánh vào cái ngã to lớn của nó.
Các phản ứng nầy là phản ứng tự động liên quan đến các ‘định danh’ về
bản thân của cái trí. Khi thấy bị tấn công - nhất là khi cảm giác định
danh nầy mạnh mẽ - cái trí sẽ hung hãn. Bất cứ khi nào bạn bị phê phán
và cái trí tự động có phản ứng như thế, trước hết bạn phải tách mình ra
khỏi sự phản ứng bằng cách nhận diện nó. Khi bạn thấy được các phản ứng
nầy là riêng rẽ, không dính với chính bạn thì bạn cũng đã làm nhẹ đi
tính nhạy cảm định danh của cái trí. Từ đó bạn có thể trung hòa các phản
ứng của cái trí bằng cách vào Tĩnh Lặng. Có lẽ bạn cần lặp lại tiến
trình nầy vài lần nữa với các tình huống khác để cho cái trí quen dần
trong việc loại bỏ thói quen tự phản ứng nầy..
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Cái Trí Và Hành Động Tự Tử
H: Trong hành động tự tử, cái trí đóng vai trò gì?
Đ: Mọi hành động, hay phản ứng, thật ra là kết quả của một chuỗi tiến
trình của tư tưởng, cảm xúc và sự lập lại.
-
Cái trí đối
diện với các tình huống hiện tại của cuộc sống rồi hồi tưởng lại các
hình ảnh và cảm xúc tương tự trong quá khứ được lưu trữ trong trí
nhớ.
-
Chúng ta sống
lại các cảm xúc tiêu cực quá khứ rồi kết nối chúng với hoàn cảnh
hiện tại.
-
Từ đó, cái trí
liên tục lặp lại các ý nghĩ nầy, làm nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Sự
lặp lại nầy sẽ diễn tiến cho đến khi cái trí không còn phân biệt
được giữa ý nghĩ, cảm xúc, ký ức và hiện tại nữa. Mọi thứ sẽ hòa
quyện với nhau tạo thành một thứ đau đớn liên hồi và lan tỏa.
-
Tình huống nầy
sẽ dẫn đến hành động hay phản ứng nguy hại.
Một người tự tử là một nạn nhân của cái trí theo thứ tự tiến trình đó.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Lòng Từ Bi Và Sự Đồng Cảm
H: Quyển sách nầy cố tình tu tập lòng từ bi. Có sự khác biệt nào giữa
lòng từ bi và sự đồng cảm, thương tâm?
Đ: Trong ngôn ngữ hằng ngày chúng ta hay dùng “lòng từ bi” và “sự đồng
cảm” (hay “thương tâm”) xen lẫn với nhau. Thậm chí, ta hay dùng hai từ
nầy chung với chữ “thương hại”, một từ mà thường có một ngụ ý hơi tiêu
cực. Trong sách nầy chúng tôi dùng hai từ nầy rất khác nhau và không có
từ nào ngụ ý thương hại.
Trước hết lòng từ bi được dùng để diễn tả sự thấu hiểu tình cảnh đau khổ
của kẻ khác và gồm luôn ý muốn làm vơi đi đau khổ đó. Mặt khác, sự đồng
cảm và thương tâm sẽ chỉ diễn tả sự nhận diện tình cảnh và cảm xúc của
kẻ khác. Trong khi sự đồng cảm cuối cùng thì cũng sẽ dẫn đến lòng từ bi
nhưng hai điều nầy có khác nhau. Khác biệt về ý nghĩa thì có vẻ không
nhiều nhưng ở tầm mức của cái trí thì hai tiến trình rất khác nhau được
diễn tiến.
Sự đồng cảm và thương tâm thường vẫn có trong cái trí bình thường. Khi
chúng ta trực diện với một tình huống cần sự đồng cảm, cái trí của chúng
ta sẽ tìm thấy trong ký ức một loại thông tin tương tự và ta sống lại
các cảm xúc liên quan. Chúng ta liên kết kinh nghiệm từ ký ức của mình
với tình huống của kẻ khác để hiểu, để thông cảm.
Bởi vì tiến trình nầy xảy ra trong cái trí của ta, nên ta nhập vai với
tình huống của kẻ khác. Chúng ta lại không thể chắc chắn về sự chính xác
của cái trí – nó có thể lầm lẫn trong việc chọn lựa ký ức và liên kết sự
kiện với cảm xúc. Sự đồng cảm căn cứ vào sự phán đoán (thường là sai lạc)
của cái trí.
Lòng từ bi có mặt trong tâm thức và trong sự Tĩnh Lặng. Cái trí của ta
yên lặng mà vẫn giúp ta ý thức sự việc ở mức độ cao. Cái ý thức nầy giúp
ta nhận ra chúng ta đang là thành phần của vũ trụ và làm tan biến mọi
biên giới giữa cái “ta” và mọi thứ khác. Trong tâm thức nầy, chúng ta
nhận biết được nỗi đau và sự chịu đựng của mọi thứ xung quanh vì lẽ
chúng ta là một thành phần của mọi thứ quanh ta. Lòng từ bi thì không có
mặt cái “ta” hay đối tượng bên ngoài, còn sự đồng cảm thì có cả cái ta
chủ thể và có đối tượng bên ngoài. Vì thế, khi chúng ta động lòng từ bi,
mặc dù cái trí vẫn im lặng và bất động, chúng ta vẫn có thể cảm xúc được
một lòng từ bi đầy tình thương ở một mức độ rộng lớn hơn.
Vẫn biết rằng chúng ta nên phát triển lòng từ bi hơn là chỉ có sự đồng
cảm, thương tâm, chúng tôi muốn lưu ý rằng bạn không nên chỉ vì mục tiêu
tránh sự đồng cảm và thương tâm mà tránh tất cả xúc cảm. Rất nhiều người
trong quá trình tập phát triển lòng từ bi đã rơi vào cái bẫy dửng dưng
vô cảm vì họ cố tránh sự đồng cảm và thương tâm nầy. Đồng cảm và xúc cảm
là những dấu ấn đến trước của sự tỉnh thức và lòng từ bi. Khi bạn hành
thiền và thể nghiệm Tĩnh Lặng, khuynh hướng nghiêng về sự đồng cảm sẽ
đương nhiên tự giảm và lòng từ bi sẽ tăng dần.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Tu Là Gì?
H: Quyển sách nầy thường đề cập đến việc “tu” dưới nhiều trình độ khác
nhau. Vậy đúng ra “tu” là gì? Có phải phương pháp thiền Tại và Hiện nầy
là một dạng của việc tu tập phát triển tâm linh không?
Đ: Nhiều tôn giáo và văn hóa Đông Phương có một quan niệm tu tập tâm
linh mà theo đó người luyện tập quyết định trở thành nhà sư, cô vải, bà
phước hay thầy tư tế trong tu viện. Gần đây, trong một số ngôn ngữ, từ
ngữ tu tập tâm linh đã nới rộng để chỉ các lối sống khác. Bây giờ thì
người ta có thể “tu” ở bất kỳ nơi nào mà không phải lập thệ bất cứ lời
nguyện ở một tôn giáo nhất định nào.
Trong quyển sách nầy chúng tôi định nghĩa danh từ tu tập tâm linh, hay
đơn giản hơn là “tu”, như một cố gắng luyện tập để đạt sự ý thức cá nhân
đối với vũ trụ hay sự tỉnh thức của cái tự ngã, cái ta, đối với sự đau
khổ. Bất cứ động thái nào giúp con người hiểu chân lý cho chính bản thân
mình và vượt thoát khỏi sự đau khổ thì quả thật đó là tu tập tâm linh.
Đây không phải là ngoảnh mặt đi với thế giới bên ngoài nhưng là buông bỏ
các ràng buộc nội tại trong chúng ta. Trong khi vẫn có nhiều người rời
bỏ hẳn cuộc sống bình thường để dấn thân vào con đường tâm linh, chúng
tôi tin rằng người ta vẫn có thể tập luyện sự tỉnh thức nầy trong cuộc
sống bình thường hằng ngày.
Một số người còn nói rằng tất cả chúng ta đều “tu” dù có biết hay không:
cuộc sống chính là đào tạo, là tu luyện rồi! Khác nhau chăng chỉ là có
người ý thức mình đang tu tập trong khi người khác không thấy biết như
thế. Sự khác biệt duy nhất là nếu ta ý thức mình đang tu thì dễ hơn
người không biết một chút. Và sự tu tập không đòi hỏi phải hành thiền
một cách chăm chỉ hay tách rời, cô lập khỏi thế nhân – bài học lớn nhất
đến từ mối quan hệ giữa con người với nhau. Trong mối quan hệ với người
thân yêu, chúng ta có thể học hỏi nhiều điều tuyệt vời, gồm cả lòng từ
bi, lòng tốt và tình yêu vô điều kiện.
Có một thành ngữ Việt nam: “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ
ba tu chùa”.
Nếu bạn tin rằng cuộc sống đã là tu sửa thì mỗi hành động, dù là có ý
thức hay vô thức, đều là tu tập tâm linh cho mình và cho cả những người
xung quanh. Mổi sự kiện hay tình huống xảy ra trong cuộc sống đều là một
cơ hội cho chúng ta học hỏi một điều gì đó bằng cách nầy hay cách khác.
Phương pháp thiền Tại và Hiện có thể là một cách tu nếu bạn muốn xem nó
như vậy. Việc ấy hoàn toàn thích hợp với định nghĩa rộng của chúng tôi.
Dĩ nhiên bạn vẫn có thể định nghĩa việc tu tập tâm linh khác hơn hoặc
bạn muốn dùng việc thiền định cho một mục tiêu khác trong đời sống của
bạn. Miễn sao mục tiêu đó bao gồm việc đi tìm hạnh phúc cho chính bạn
hay người khác, dù với ý muốn tu hay không, bạn vẫn có thể dùng phương
pháp thiền nầy theo ý bạn trong cuộc sống thường nhật.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Quyền Không Muốn Tu
H: Tôi buồn vì nhiều người bạn tôi và gia đình tôi không màng gì đến vấn
đề tu tập tâm linh. Họ rất đau khổ và không có ý thức gì, và tôi biết
rằng vấn đề tu nầy có thể giúp họ nhưng họ vẫn không quan tâm, thậm chí
còn chống đối. Tôi nên làm sao đây?
Đ: Nếu chúng ta tự cho có quyền đi tu thì người khác cũng có quyền không
làm như vậy. Khi người khác thấy không cần tu tập tâm linh, chúng ta
phải tôn trọng sự chọn lựa của họ. Quyết định của họ cũng phục vụ cho
các mục đích quan trọng. Thay vì cảm thấy mất kiên nhẫn trong việc đem
đến các thay đổi tốt cho người khác, chúng ta nên nhớ rằng vũ trụ hằng
vô tận trong việc cho con người cơ hội và thời gian để tiến hóa và biến
đổi. Nếu chúng ta vẫn thấy bị phiền nhiễu khi người khác từ chối lắng
nghe chúng ta và ta vẫn tiếp tục cảm thấy nhu cầu thay đổi người khác,
có lẽ chúng ta nên dừng lại và trở vào tự vấn bên trong. Có phải chúng
ta bị phiền hà là vì cái trí tin rằng chuẩn mực của mình cao và hay hơn
thiên hạ và nó muốn người khác nhận ra điều đó? Có phải chúng ta cảm
thấy có nhu cầu đó là vì cái trí không chấp thuận các “khiếm khuyết” của
người khác? Nếu chúng ta xem xét lại các lý do và động cơ phía sau,
chúng ta có thể tìm ra ngay trong cái trí của ta các ràng buộc mà chính
chúng ta muốn xét lại.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Tặng Quyển Sách Nầy Cho Người Khác
H: Tôi thấy phương pháp thiền nầy có ích lợi và do vậy tôi đã cho quyển
sách nầy cho những người có vẻ đang đau khổ. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy
rằng nhiều người không mấy quan tâm đến quyển sách nầy và không có ý
muốn thực hành. Việc ấy làm tôi thật thất vọng vì tôi biết rằng nó có
thể giúp họ.
Đ: Nếu bạn muốn tặng sách nầy cho ai, bạn phải hiểu rằng khi quyển sách
nầy- hay bất cứ sách nào khác - rời tay bạn thì nó không còn liên quan
gì đến bạn cả! Bạn đã làm xong việc của bạn. Tương tự như câu hỏi trước
về tu tập, bạn không nên để trí bạn cảm thấy phiền hà bởi người khác
không làm theo ý bạn mong muốn. Và có khi người ta có thể hiểu lầm ý tốt
của bạn. Người ta có thể nghĩ rằng khi bạn cho họ quyển sách là có ý
muốn thay đổi họ hay có thể là vì bạn muốn chứng tỏ rằng bạn tốt hơn hay
tiến bộ hơn họ. Hay họ nghĩ rằng bạn đang đòi hỏi họ thay đổi. (điều nầy
có lẽ họ nghĩ đúng, nhất là khi họ là người thân của bạn.) Các nhận định
như thế sẽ có thể tạo nên sự phật ý hay đối kháng ở người ta. Bởi thế,
chúng ta đừng hy vọng sự chấp thuận của người khác hay sự thay đổi của
họ. Hãy nhớ rằng mọi việc đều có thời điểm riêng của nó.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
Áp Dụng Các “Bài Học” Nầy
H: Các ý kiến trong quyển sách nầy rất dễ hiểu. Nhưng khi tôi khảo sát
nó kỹ lưỡng hơn, đó là những bài học rất khó áp dụng trong đời sống hằng
ngày. Có thật là tất cả các ý kiến nầy có thể thực hành được để đạt sự
an bình và hạnh phúc lâu dài không?
Đ: Chúng tôi thật tình nghĩ rằng tất cả mọi người có thể hiểu các khái
niệm nầy, áp dụng chúng và đạt được hạnh phúc lâu dài. Khi khởi sự áp
dụng các quan niệm nầy có thể bạn thấy hơi khó nhưng rồi chúng sẽ dần
dần trở nên dễ hơn nếu bạn kiên nhẫn và chịu khó một chút. Quyển sách
nầy có vẻ đề cập đến đủ thứ ý kiến và đề tài – nhưng tựu trung bài học
chủ yếu và quan trọng nhất có thể tóm lược như sau:
Trước hết, cái trí chỉ là một thành phần của chúng ta. Chúng ta không
phải là tổng số của mớ tri thức, ý kiến, thói quen, và các quan niệm sai
lạc – chúng ta là nhiều hơn các thứ đó!
Kế tiếp, bản chất của cái trí rất loạn động nên làm chúng ta mất đi sự
Tĩnh Lặng nội tại. Đó chính là nguyên do của sự đau khổ. Nếu chúng ta
lấy lại sự kiểm soát cái trí, chúng ta có thể sử dụng nó một cách xây
dựng hơn và chúng ta có thể làm vơi đi nỗi đau khổ mà nó gây ra cho ta.
Chúng ta chỉ cần chấm dứt sự đồng hóa ta và cái trí của ta và tái lập sự
Tĩnh Lặng bên trong chúng ta là chúng ta có thể ngăn cái trí gây đau khổ
cho ta và người khác: như thế chúng ta sẽ sống một cuộc sống an bình.
Trở lên phần mục lục |
|
|
|
|
|